top of page

Giấy Dó là gì? Giải đáp về giấy Dó

Updated: Oct 20, 2022


Giấy dó là một trong những loại giấy thủ công truyền thống nổi tiếng của người Việt, có tuổi đời hơn 800 năm với nhiều ưu điểm và ứng dụng độc đáo.


1. GIẤY DÓ LÀ GÌ?


Giấy dó là loại giấy được làm từ vỏ cây dó. Để làm ra một tờ giấy, người làm phải trải qua rất nhiều quy trình hoàn toàn thủ công và đòi hỏi tính kiên nhẫn. Đây cũng là loại giấy thủ công có lịch sử lâu đời, là nghề truyền thống của một số vùng tại miền Bắc Việt Nam.


“Mịt mù khói tỏa ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”


Câu ca dao xưa tả quang cảnh buổi sáng xung quanh Tây Hồ, Hà Nội với tiếng chày giã dó của người dân làng Yên Thái. Bắt đầu một ngày mới, khi mặt Hồ Tây còn dày đặc trong màn sương thì người dân Yên Thái đã hối hả với những nhịp chày đều đặn, biểu hiện cho một cuộc sống lao động cần cù. Như vậy, theo một số tài liệu, nghề làm giấy dó nổi tiếng tại một số khu vực như Yên Thái, Nghĩa Đô (Hà Nội), Dương Ổ (Bắc Ninh) từ khoảng thế kỷ 13.


Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 20, những làng nghề ở Hà Nội hầu hết đã thất truyền và hiện nay trên cả nước chỉ còn hai nơi giữ nghề giấy dó là Dương Ổ (Bắc Ninh) và Lương Sơn (Hòa Bình).


Ngoài giấy dó thì giấy dướng (làm từ vỏ cây dướng) cũng là một loại giấy truyền thống có đặc tính gần như tương tự so với giấy dó (đanh và chắc hơn giấy dó).


2. ĐẶC ĐIỂM CỦA GIẤY DÓ


Giấy dó có đặc tính xốp, nhẹ, bền dai. Do đặc thù là giấy thủ công với các công đoạn giã vỏ dó tỉ mỉ bằng tay, tờ giấy dó được kết cấu nên bởi hàng vạn sợi tơ dó li ti, đan vào nhau đa chiều như mạng nhện. Những sợi giấy li ti đó có tác dụng thấm hút, hút ẩm đặc biệt tốt giúp giấy dó có độ bền lâu lên tới mấy trăm năm.


Những sợ tơ giấy li ti làm nên điểm khác biệt cũng như đặc tính hoàn toàn khác của giấy dó so với giấy công nghiệp


Minh chứng cho độ bền của giấy dó nằm ở những tờ gia phả được viết trên giấy dó sắc phong mà ngày nay nhiều dòng họ hay di tích vẫn còn lưu giữ được với hiện trạng tốt. Hay tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, trong số những tài liệu giấy, thì tài liệu giấy dó có tuổi thọ cao nhất. Các tài liệu giấy dó là những loại tài liệu được ra đời lâu nhất, từ khi các phương tiện bảo quản chưa được phát triển.


Độ dày của giấy dó: giấy dó có độ dày đa dạng, những người làm giấy gọi với tên từ giấy bóc 1 đến giấy bóc 10, tương ứng với độ dày tăng dần. Như vậy để làm ra tờ giấy càng dày, người nghệ nhân sẽ tăng thêm các lớp giấy trong công đoạn xeo.


3. CÁC CÔNG ĐOẠN LÀM GIẤY DÓ


Công đoạn 1: Khai thác nguyên liệu

Để có nguyên liệu là ra giấy dó, những người nghệ nhân sẽ thu mua vỏ cây dó/ dướng. Loại cây này mọc nhiều ở những vùng núi phía Bắc. Tại Lương Sơn, Hòa Bình, những nghệ nhân sẽ tự tay đi khai thác nguyên liệu trên rừng cách khoảng 20km. Đây là công đoạn khá cực nhọc bởi không những phải đi xa, mà còn mất khá nhiều thời gian bởi sau khi chặt cây xuống, phải dùng tay đập vào phiến đá cho tróc rồi bóc vỏ ra khỏi thân cây. Thân cây được bỏ lại trên rừng và vỏ cây sẽ được bó thành từng bó đem về làm nên giấy dó.


Nghệ nhân tại Hòa Bình khai thác nguyên liệu


Công đoạn 2: Bóc vỏ

Vỏ cây sau khi khai thác trên rừng về thì được ngâm nước sạch cho hết nhựa. Sau đó những người làm giấy bắt đầu đem bóc vỏ. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo tay và kỹ thuật sử dụng dao tốt. Dùng con dao nhỏ và đầu ngón tay giữ chặt phần vỏ cây để tước bỏ phần vỏ đen nhất ở bên ngoài, chỉ lấy phần trắng nhất của vỏ cây. Tuy nhiên, phần vỏ loại cũng được mọi người tận dụng để làm các loại giấy khác.


Công đoạn 3: Ngâm và luộc nguyên liệu

Vỏ cây dó sau khi bóc vỏ sẽ được đem đi rửa sạch cho hết nhựa, sau đó ngâm với nước vôi trong một ngày một đêm, tỷ lệ khoảng 10%. Sau khi ngâm, vỏ cây tiếp tục được cho vào luộc thêm một ngày một đêm. Để kiểm tra vỏ đã luộc đủ độ hay chưa, người làm kiểu tra bằng cách dùng tay kéo vỏ thấy đứt là đã đạt.


Công đoạn 4: Rửa và vò sạch vỏ cây

Sau khi luộc, vỏ dó phải được rửa thật sạch để loại bỏ hoàn toàn nước vôi. Rửa xong, các nghệ nhân sẽ dùng chân vò vỏ cây cho mềm trước khi cho vào giã.


Công đoạn 5: Giã vỏ dó

Vỏ cây sau khi được vò trở nên mềm nên đã dễ dàng hơn trong việc giã thành sợi. Vỏ cây được giã thành vạn sợi nhỏ li ti, nhưng vẫn giữ được độ dài và dai từ xơ gốc. Đây cũng chính là một trong những điểm khác biệt lớn của giấy thủ công và giấy công nghiệp.


Vỏ dó qua các giai đoạn: sau khai thác, bóc vỏ, ngâm làm sạch và sẵn sàng để giã


Công đoạn giã vỏ dó đòi hỏi khá nhiều công sức của người làm giấy


Những xơ sợ này tạo nên những tờ giấy dó với độ bền cao và mặt giấy có vân đẹp tự nhiên mà giấy công nghiệp không bao giờ có được vì nguyên liệu đã được nghiền bằng máy thành bột mịn, không còn tính chất của xơ thực vật.


Công đoạn 6: Đánh sợi, ngâm với nước mò

Sau khi giã vỏ dó bằng tay đòi hỏi nhiều công sức, vỏ đó sẽ được cho vào một bể/thùng chứa để đánh sợi. Hiện nay, các hộ nghệ nhân tại Bắc Ninh và Hòa Bình đều đang sử dụng máy đánh sợi của Nhật Bản và Hà Lan để hỗ trợ làm bông và đều sợi dó hơn, chứ không hề làm mất đặc tính của xơ sợi.


Công đoạn 7: Xeo giấy

Nghệ nhân tiến hành công đoạn xeo giấy


Đây là công đoạn gần chót ảnh hưởng lớn đến tờ giấy dó thành phẩm nên không phải ai cũng làm được và những nghệ nhân được đảm nhận xeo giấy thường có tay nghề rất lâu năm. Nhìn thì có vẻ đơn giản vì cũng chỉ vào thao tác như nhúng khung xeo xuống bể, lắc chút và nhấc lên là tạo ra tờ giấy dó. Tuy nhiên, để xeo được một tờ giấy mỏng, bột giấy trải đều và mịn màng thì phải mất vài năm để luyện tập, phải đến khi thật cứng tay thì mới được giao nhiệm vụ “lớn lao và cao cả” này.


Bác Hậu, nghệ nhân tại Lương Sơn, Hoàn Bình hoàn thiện công đoạn xeo giấy


Công đoạn 8: Ép, can, phơi, bóc và nhận thành phẩm giấy dó

Khi xeo giấy xong, các nghệ nhân sẽ đặt xuống và nhấc khuôn ra, cứ thế những tờ giấy dó còn ướt xếp chồng lên nhau. Bước tiếp theo là dùng những vật nặng như gỗ hay đá đặt lên để ép nước ra và lấy chỗ giấy đó đi phơi ở ánh nắng tự nhiên cho thật khô rồi bóc ra từng tờ môt.


Xem đầy đủ các công đoạn làm giấy dó:



Vậy là ta đã có những tờ giấy dó hoàn chỉnh sau rất nhiều công đoạn tỉ mỉ và đòi hỏi nhiều tâm sức của người làm.


Các loại giấy dó/ dướng thành phẩm


4. ỨNG DỤNG CỦA GIẤY DÓ

Nhiều người vẫn biết đến giấy dó nhiều nhất thông qua những bức tranh dân gian Đông Hồ trên giấy điệp (giấy dó được quét 1 lớp bột điệp). Tuy nhiên, giấy dó có nhiều ứng dụng sáng tạo và thiết thực hơn thế trong cả nghệ thuật và cuộc sống.


Với hội họa, ngày càng có nhiều nghệ sĩ tìm đến giấy dó để thử sức và “chơi” với tờ giấy này với những lối vẽ màu nước, vẽ thủy mặc… Với đặc tính thấm hút nhanh bởi nhiều sợi giấy li ti, giấy dó đòi hỏi người vẽ phải có cách xử lý thông minh bởi khi đặt cọ xuống là không thể sửa được. Do vậy, những nghệ sĩ thành công với giấy dó đều phải dày công tìm hiểu, đắm mình và yêu tờ giấy này để tờ giấy thể hiện được đúng ý đồ và có những cách sáng tạo của riêng mình.


Bên cạnh đó, với nghệ thuật thư pháp, giấy dó cũng là một người bạn tuyệt vời.


Hiện nay, tin vui là ngày càng nhiều nghệ sĩ ở những lĩnh vực nghệ thuật khác nhau biết đến và mê giấy dó, minh chứng cho sự “cuốn hút” của tờ giấy này, và cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy rằng giấy dó sẽ còn duy trì và lan tỏa nhiều hơn nữa. Không chỉ có tranh dân gian, màu nước, thư pháp; những bộ môn như Origami, tranh in… đều có cách thể hiện rất hay và lạ trên tờ giấy truyền thống này.


Trong đời sống, giấy dó cũng được nhiều người yêu giấy và thủ công sáng tạo ra những sản phẩm hữu ích và gần gũi với đời sống.


Ứng dụng đa dạng của giấy dó trong cuộc sống hiện nay


Commenti


bottom of page